In Tin mới
24 bí kíp sống xanh cùng cộng đồng (Phần 1)
“Sống xanh” – từ khóa liên tục lọt top tìm kiếm trong nhiều năm liền điều đó chứng tỏ vấn đề môi trường hiện nay rất được cộng đồng quan tâm. Bởi lẽ, chúng ta ai cũng đã hiểu được biến đổi khí hậu khiến chúng ta đang phải chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đơn cử trong năm 2021, nhiều nơi trên thế giới đã chứng kiến các kiểu thời tiết khác nhau gây thiệt hại lớn cho người dân. Vì vậy, câu chuyện cải thiện môi trường vẫn luôn là mục tiêu mà nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay lại đang quá bận rộn trong cuộc sống, họ gặp không ít khó khăn vì đôi khi lầm tưởng rằng sống xanh là phải làm điều gì rất to lớn để thay đổi thế giới, hoặc lại không có thời gian để làm ra các đồ vật trang trí nhà cửa theo các video hướng dẫn tái chế trên internet, đi bộ thay vì đi xe máy hay đơn giản hơn là phân loại rác. Vậy muốn sống xanh nhưng không thay đổi lối sống của mình hoàn toàn đâu là phương pháp đơn giản nhất mà bạn có thể làm? Dưới đây R One bật mí với các bạn 10 bí kíp sống xanh truyền cảm hứng giúp bạn theo đuổi được trào lưu “sống xanh” cùng cộng đồng, góp phần thay đổi thế giới theo các riêng của bạn.
- Mang túi vải đi chợ hoặc đi mua sắm thay vì dùng túi nhựa dùng một lần.
Thói quen của người tiêu dùng luôn muốn tiết kiệm thời gian, không gian khi đi mua sắm nên thường đựng sản phẩm trong túi nhựa. Theo thống kê hằng năm, Thế giới thải ra môi trường khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa (WFF – Việt Nam, 2019).Trái đất dùng đến hàng trăm năm để phân hủy một túi nhựa, khi số lượng túi nhựa tăng lên một cách chóng mặt liệu Trái đất có còn đủ “năng suất” để xử lý chúng? Vì vậy, chúng ta cần hạn chế dùng chúng trong sinh hoạt hằng ngày để giảm thiểu được lượng rác thải nhựa thải ra môi trường như hiện nay.
Thay vào đó bạn có thể sử dụng túi vải. Phong trào dùng túi vải đã và đang được giới trẻ lựa chọn tin dùng, các nhãn hàng thời trang cũng theo đuổi phong cách hiện nay cho ra hàng trăm bộ sưu tập túi vải nhằm góp phần thay đổi lối sống của con người. Túi vải làm từ chất liệu tự nhiên vừa an toàn, sạch sẽ lại đẹp mắt đôi khi đó là một món đồ không thể thiếu trong tủ của mọi người. Hiện sản phẩm được thiết kế với đủ mẫu mã, màu sắc tùy vào mục đích sử dụng. Bạn có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đi chơi, đi học, đi làm, …Thậm chí dùng làm túi đi chợ, đựng đồ ăn và thực phẩm. Các nhãn hàng còn thiết kế chúng như một dạng túi xách bạn có thể mang đi làm hoặc đi học.
- Thay màng bọc thực phẩm nhựa bằng màng bọc sáp ong
Màng bọc thực phẩm là một món đồ có thể nói không thể thiếu trong tủ bếp ở nhà bạn. Tuy nhiên, ít ai tự đặt câu hỏi rằng màng bọc thực phẩm nhựa có thực sự an toàn không? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần phải biết được màng bọc thực phẩm được tạo ra từ các polymer nhựa được kéo mỏng, đa phần chúng được làm từ 3 loại phổ biến là nhựa PE, PVC và màng bọc silicon. Đây là loại vật liệu không tái chế được và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước nếu chúng trở thành chất thải tồn tại lâu trong môi trường, nguy hiểm hơn chúng có thể xâm nhập vào cơ thể con người nếu loại màng này được làm từ nhựa PE và PVC không rõ nguồn gốc, chứa nhiều phụ gia không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy giải pháp cho việc thay thế màng bọc thực phẩm bạn có thể thay bằng màng bọc sáp ong.
Màng bọc sáp ong được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, không chứa chất độc hại. Màng bọc sáp ong sử dụng an toàn sức khỏe cho người sử dụng lại còn an toàn cho sự sống của môi trường, chúng có thể được tái sử dụng bằng cách giặt sạch và phơi khô ngay tại nhà. Ngoài ra, chúng còn có thể phân hủy tự nhiên.
- Lau chùi, trang trí bằng xơ mướp hoặc xơ dừa.
Mút rửa chén – nhỏ bé nhưng tác hại lại không tưởng. Chúng là một trong những sản phẩm nhựa gốc dầu, vì thế chúng gần như không thể phân hủy và tái chế được. Thay vì dùng mút rửa chén, cây cọ ly bằng nhựa, bàn chải nhựa – chúng đều là những thứ khó phân hủy bạn có thể thay đổi bằng các vật liệu tự nhiên như xơ dừa hoặc xơ mướp.
Sản phẩm làm từ xơ dừa hoặc xơ mướp vừa rẻ lại dễ tìm, giá thành không cao mà công dụng còn vượt trội hơn hẳn. Miếng rửa bát xơ mướp vừa nhẹ, có khả năng tạo bọt làm sạch vết bẩn. Ngoài ra trên thị trường hiện nay một số nhãn hàng đã cho ra mắt dòng sản phẩm được làm từ sơ mưới phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của ngon người như: bông tắm, bàn chải, ví, túi, giày, tấm dán tường, khăn trải bàn, tấm lót ly cốc, bình hoa, đèn trang trí, tranh ảnh, tấm rửa mặt, kỳ tay, lưng, …
- Sử dụng khăn lau miệng thay vì khăn giấy
Khăn giấy là một vật dụng tiện lợi không thể thiếu trên các bàn ăn hiện nay. Đi dọc các các con phố tại các cửa hàng bạn có thể thấy số lượng giấy mỗi cửa hàng sử dụng là quá nhiều. Nhưng việc sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, vì giấy được làm từ gỗ. Nếu nhu cầu con người dùng khăn giấy tăng cao sẽ kéo theo nguồn cung tăng dẫn đến lượng sản xuất tăng, hàng cây trăm tuổi bị đốn hạ để phục vụ cho nhu cầu “tiêu dùng tự nhiên” của con người. Vì vậy, để góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bạn có thể bỏ túi theo khăn vải để lau miệng, vừa rẻ lại còn giúp giảm tiêu thụ giấy, vừa có thể tái sử dụng nhiều lần, tiết kiệm tiền mua khăn giấy bỏ túi.
- Bàn chải đánh răng bằng tre
Ngày nay, con người cũng nhận thấy được ngoài túi nilon, bàn chải nhựa cũng là một vật dụng mang đến ô nhiễm môi trường. Trong các nhà nghỉ, khách sạn tại Việt Nam đa phần chỉ sử dụng bàn chải nhựa dùng một lần. Điều này cũng góp phần tăng áp lực chịu tải phân hủy lên “đôi vai” của Trái đất. Thực tế, bàn chải đánh răng làm từ nhựa và sợi nilon phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy hết.
Vì thế, bàn chải đánh răng được làm từ tre là một phương án thay thế tuyệt vời cho “tiền bối” đi trước. Tuy nhiên, chúng chưa được sử dụng rộng rãi do chưa được truyền thông mạnh mẽ về tác dụng to lớn cho tương lai, đối với bàn chải thường phải mất đến 500 năm mới phân hủy được. Chúng được sản xuất với phần thân được làm từ tre, sợi lông làm từ sợi sinh học dễ phân hủy và vỏ hộp làm từ giấy tái chế. Tất cả đều thân thiện ngoài môi trường.
- Sử dụng cốc nguyệt san, tã vải thay băng vệ sinh
Hầu hết mọi người từ nông thôn đến thành thị đều tin dùng băng vệ sinh dùng một lần, chúng được bán trên khắp toàn quốc có đầy đủ mẫu mã, màu sắc và kích cỡ. Khoảng một phần tư dân số thế giới là phụ nữ đang trong giai đoạn có kinh nguyệt tức là trung bình hơn 1,9 tỷ người trên thế giới sẽ bị chảy máu trong khoảng 65 ngày một năm. Đó là lý do tại sao có gần 500 triệu rác thải băng vệ sinh tương đương 28.189 kg chất thải được “hạ cánh” mỗi tháng. Theo nguyên cứu, thành phần của một miếng băng vệ sinh chủ yếu chứa hóa chất, phụ gia, vật liệu tổng hợp như PP phải mất từ 250 đến 500 để phân hủy chúng. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng nếu băng vệ sinh bị phơi nhiễm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và đặc biệt là người thu gom rác.
Một số lượng rác khổng lồ trên có thể giải quyết được nếu ngay bây giờ bạn tin dùng vào các sản phẩm vệ sinh có thể tái sử dụng như cố nguyệt san, tã giấy, tã vải. Mục đích chính là bảo vệ môi trường ngoài ra chúng còn mang đến sự tiện lợi và thoải mái cho người sử dụng. Đối với tã vải được làm bằng rất nhiều loại vải khác nhau như vải hoa, lụa, cotton được thiết kế với khả năng chống thấm hút tốt có thể tái sử dụng nhiều lần bằng cách giặt sạch sẽ, sát khuẩn đúng cách. Tuy có hơi rườm rà nhưng chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá số tiền phải bỏ ra để mua những vật dụng gây ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng bánh xà phòng từ nguyên liệu tự nhiên
Các loại sữa tắm công nghiệp hiện nay trên thị trường chứa nhiều hóa chất gây hại cho môi trường như hạt vi nhựa, chúng lại còn được đựng trong chai nhựa. Vì thế giải pháp cho vấn đề này bạn có thể thay thế chúng bằng các loại sữa tắm bằng xà phòng handmade được làm từ các thành phần tự nhiên như bơ, mật ong, nha đam, bồ hòn, …hoặc các dầu thực vật (oliu, dầu dừa…) Không có chất bảo quản, không có chất hóa học tạo mùi đương nhiên sẽ có lợi cho cơ thể của người sử dụng. Hơn nữa, chúng được đựng trong các loại hộp giấy hoặc túi thủ công đan từ tre.
- Sử dụng sữa hạt thay vì sữa động vật
Có thể bạn chưa biết ngành công nghiệp sữa đã và đang góp phần to lớn trong việc làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, chất thải của ngành chăn nuôi cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường và sức khỏe của con người nếu không được quản lý chặt chẽ. Thay vào đó chúng ta có thể thay thế sữa được sản xuất từ động vật bằng sữa hạt, chúng vừa tốt cho sức khỏe lại còn góp phần bảo vệ môi trường. Sữa hạt dễ uống lại còn có thể tự chế biến tại nhà vô cùng tiện lợi lại còn tiết kiệm cho túi tiền của bạn.
- Không thả bóng bay vào các dịp lễ, tết.
Tuy chúng đẹp nhưng khi bay đến một tầng không khí nhất định bóng bay sẽ nổ và rơi xuống, nó có thể rơi xuống mặt đất hoặc sông suối. Thả bóng bay lên trường như thả một nắm rác lên trời cũng không khác gì bạn vứt rác bừa bãi trên mặt đất. Bóng bay được làm từ nhựa tổng hợp vì thế chúng cũng sẽ mất một khoảng thời gian để có thể phân hủy hoàn toàn.
- Không mua sản phẩm có màng bọc trong siêu thị
Trước đó R One cũng đã nói qua về tác hại của màng bọc thực phẩm. Tuy nhiên, khi bạn dạo trong siêu thị có thể dễ dàng bắt gặp được những sản phẩm được sơ chế sẵn như rau củ quả, thịt cá được bọc màng bọc thực phẩm. Tuy chúng trông vô cùng tiện lợi những điều này lại vô tình tăng gánh nặng cho sự nỗ lực cải thiện môi trường của Trái đất. Vì vậy, để có thể giảm thiểu lượng màng bọc thực phẩm tại nhà bạn nên mua rau củ quả, thịt, cá, …tự sơ chế tại nhà. Tuy sẽ mất thời gian sơ chế những bạn lại góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường của cộng động. Hành động nhỏ nhưng sức ảnh hưởng lại vô cùng to lớn.
Thay đổi môi trường sống tưởng khó nhưng khi nếu bạn quyết tâm thì không gì là không thể. Tuy đôi lúc bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất tiện vì lối sống xanh này những vấn đề môi trường không còn là vấn đề của riêng ai. Nên chúng ta ai cũng phải đều có trách nhiệm với chúng để chúng ta và gia đình được sống trong một môi trường trong lành. Qua 10 bí kíp sống xanh trên R One gợi ý đến bạn để bạn có thể từ từ thích nghi và chuyển sang một lối sống không rác thải vì nhân loại. Hãy chờ đơn 10 bí kíp sống xanh tiếp theo để xem sẽ có những bí kíp nào thú vị nữa nhé.
1 Comment
24 BÍ KÍP SỐNG XANH CÙNG CỘNG ĐỒNG (PHẦN 2) – Recycle One
3 years ago[…] nối câu chuyện về các bí kíp sống xanh cùng cộng đồng sẽ là 10 bí kíp tiếp theo chắc hẳn các bạn sẽ thực hiện […]
Comments are closed.