TOP 5 QUỐC GIA THẢI NHIỀU RÁC NHỰA NHẤT RA ĐẠI DƯƠNG

TOP 5 QUỐC GIA THẢI NHIỀU RÁC NHỰA NHẤT RA ĐẠI DƯƠNG

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới phải chịu trách nhiệm cho khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Rác thải nhựa là gì?

Rác thải nhựa là cụm từ dùng để chỉ những sản phẩm được làm từ nhựa đã qua sử dụng hay không còn dùng được nữa và được vứt bỏ ra ngoài môi trường, đây là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay. 

Các loại rác thải nhựa phổ biến dễ dàng được tìm thấy ngoài môi trường là chai nhựa, ống hút, túi nhựa, cốc nhựa hay các vật dụng, đồ chơi bằng nhựa… Điểm chung của những loại rác này là khó phân hủy được trong nhiều môi trường khác nhau, có thể mất đến hàng trăm hay hàng ngàn năm mới có thể phân hủy hoàn toàn.

Ô nhiễm rác thải nhựa (ô nhiễm chất dẻo) là kết quả của hiện tượng các đồ nhựa (ví dụ: chai nhựa, túi nhựa và những sản phẩm khác) trong môi trường tích tụ ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái xung quanh, sức khỏe của con người và cả động vật. Các đại dương trên thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vn đề này. 

Có bao nhiêu rác thải nhựa ngoài biển?

Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa trôi ra đại dương, cộng với khoảng 150 triệu tấn nhựa đã tồn tại trong môi trường biển.

Theo thống kê, khoảng 335 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, một nửa trong số đó là loại nhựa dùng một lần. Trong số các loại nhựa mà chúng ta sử dụng, chỉ 9% được tái chế.

Top 05 loại rác thải nhựa hàng đầu được tìm thấy ở đại dương trên thế giới

Rác thải nhựa đã ảnh hưởng đến đại dương như thế nào?

Nhựa tích tụ trong các đại dương và trên các bãi biển của chúng ta đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Rác thải nhựa đại dương không chỉ đe dọa phá hoại hệ sinh thái biển, mà còn tiềm ẩn mối nguy vô hình với sức khỏe con người. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường biển của Trái đất, kể cả dưới tầng sâu của Rãnh Mariana.

Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn 9 triệu tấn rác nhựa, đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã, với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây ra. Ngoài ra, 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người. 

Một nghiên cứu cho thấy lượng rác thải nhựa đổ ra đất liền và biển vào năm 2040 ước đạt 380 triệu tấn, cao gấp đôi con số 188 triệu tấn vào năm 2016. Trong số này, 10 triệu tấn sẽ tồn tại ở dạng vi nhựa. Chúng ngấm vào lòng nước, hấp thu vào cơ thể động vật biển, rồi có thể tìm đến cơ thể người thông qua đường ăn uống. 

Dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa, rác thải nhựa sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Điều này đang gây ra những tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn, sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.

Nếu vướng phải những đồ vật như lưới đánh cá, chai, cốc, túi nilon… đã gây ra cái chết của nhiều loài động vật biển như hải cẩu, rùa, chim… Những sinh vật này bị mắc kẹt vào rác thải nhựa sẽ không thể tự gỡ rối được, cuối cùng chúng chết vì ngạt, đói hoặc do không có khả năng thoát khỏi kẻ săn mồi.

Hình ảnh chú rùa biển đang vướng mắc trong lưới đánh cá còn sót lại của ngư dân
(Ảnh: National Geographic)

Các mảnh nhựa trôi nổi trên biển khiến nhiều động vật biển như: cá, rùa, chim biển… tưởng lầm là thức ăn và nuốt phải. Do đặc tính khó phân huỷ nên các mảnh nhựa tích tụ trong dạ dày, khiến chúng không thể tiêu hoá được dẫn đến tử vong. 

Rác thải nhựa là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều loài chim biển do chúng tưởng nhầm nhựa là thức ăn
(Ảnh: CNN)

Ngoài ra, rác thải nhựa cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm số lượng sinh vật biển. Cụ thể, trong nhựa có hoá chất độc hại là biphenyls polychlorin (PCB). Khi các loài chim biển ăn phải, PCB sẽ tích tụ trong các mô cơ thể và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. 

Những tác hại của rác thải nhựa do con người gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đặc biệt là môi trường biển, có 5 quốc gia đang dẫn đầu trong hành vi xả rác ra đại dương và gây ra những hiểm họa trên. Tất cả 5 quốc gia này đều ở châu Á.

Top 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa nhất ra đại dương

Trong một báo cáo gần đây, Ocean Conservancy (tổ chức Bảo tồn Đại dương) tuyên bố Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chính là 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.

Đây là 5 trong số các quốc gia kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Châu Á, sản xuất nhựa rất nhiều nhưng thiếu hệ thống thu gom và tái chế nên rác thải nhựa bị đổ thẳng ra môi trường tự nhiên. 

1. Trung Quốc

Trong suốt quá trình vươn lên dẫn đầu về kinh tế, Trung Quốc đã sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm nhựa để cuối cùng trở thành nhà sản xuất nhựa lớn nhất thế giới vào năm 2013. Gần đây, mức tiêu thụ nhựa nội địa của Trung Quốc cũng tăng vọt, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trên toàn thế giới và cũng xả rác nhiều nhất ra biển. Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, nước này xả tổng cộng hơn 200 triệu m3 rác thải ra biển trong năm 2018, tăng 27% so với năm trước và là số lượng lớn nhất trong ít nhất 1 thập niên qua.

Phần lớn rác thải xuất phát từ các vùng đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, 2 khu vực có các khu công nghiệp chính ở bờ đông.

Các tổ chức môi trường bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang loay hoay tìm các giải quyết ô nhiễm sông ngòi, trong khi đang gia tăng lượng rác thải ra biển, trung bình 24 kg rác trôi nổi trên diện tích 1.000 m2 mặt nước trong năm 2018, trong đó 88,7% là rác thải nhựa xuất phát từ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Rác thải nhựa ở bờ biển Trung Quốc
(Ảnh: Sưu tầm)

2. Indonesia

Tiếp sau Trung Quốc là Indonesia, quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới. Nước này thải ra 3,2 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đúng cách mỗi năm, trong đó 1,29 triệu tấn trôi ra đại dương. 

Được biết, thiên đường du lịch Bali, hòn đảo nổi tiếng nhất về du lịch của Indonesia, là một trong hàng chục hòn đảo của nước này phải vật lộn với tình trạng rác trôi nổi trên biển rồi tấp vào bờ.

Không dễ để truy tìm nguồn gốc của số rác nói trên nhưng các nhà phân tích cho rằng khoảng 80% lượng rác có nguồn gốc từ chính hòn đảo này.

Lực lượng dân lập thu gom rác từ các khu dân cư, khách sạn và cơ sở kinh doanh trên đảo nhưng họ thường mang chúng đổ xuống các con sông. Sông cuốn rác ra biển và rác tấp trở lại bãi biển của chính Bali. Dự đoán lượng rác bị dạt vào bãi biển sẽ tăng những tháng mùa mưa, vốn kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 hằng năm

Bãi biển Kuta nổi tiếng của Bali tràn ngập rác thải nhựa
(Ảnh: AAP)

3. Philippines

Ở Philippines, rác thải từ các dịch vụ cung cấp thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử đang dần trở thành mối quan ngại đối các nhà bảo vệ môi trường. 

Các bãi bồi và rừng ngập mặn Navotas ở Vịnh Manila, phía Tây của Metro Manila, Philippines đang bị chôn vùi trong một lớp rác dày đặc. Chúng bao gồm những đôi dép tông bị bỏ rơi, giấy bạc gói thức ăn cũ, túi nilon nhàu nát và chai nước bỏ đi.

Rừng ngập mặn và bãi bồi của Vịnh Manila đang bị đe dọa bởi ô nhiễm nhựa
(Ảnh: Diuvs de Jesus)

4. Thái Lan

Trải qua trận đại dịch, tại Bangkok đã tăng 62% về khối lượng trong tháng 4 do nhiều người lựa chọn mua thực phẩm và hàng hóa được chuyển đến nhà.

Theo dữ liệu của thành phố Bangkok, có tới 3.432 tấn nhựa được xả ra ở thủ đô này mỗi ngày vào tháng 4, tăng so với mức trung bình 2.115 tấn của năm ngoái. Các mặt hàng bị ô nhiễm, từ túi nilon đến hộp đựng, chai và cốc mang đi, chiếm hơn 80%. Ông Wijarn Simachaya, Giám đốc Viện Môi trường Thái Lan, một nhà tư tưởng cho biết thực trạng xảy ra ở Thái Lan như là một cảnh báo cho khu vực Đông Nam Á.

Công nhân vệ sinh môi trường vớt rác thải nhựa trên một con kênh ở Bangkok 
(Ảnh: AFP)

5. Việt Nam

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường. 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một “gánh nặng” nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt là 25 triệu tấn nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8%-12%; số lượng rác thải nhựa, túi nilon tăng dần theo từng năm. Điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương.

Rác thải nhựa ở ven bờ biển Việt Nam ở mức báo động
(Ảnh: Sưu tầm)

Tác hại mà rác thải nhựa mang đến cho đại dương là vô cùng khôn lường. Do vậy, chúng ta không thể thờ ơ nữa, mà cần có biện pháp giảm thiểu kịp thời. Bên cạnh các nghiên cứu khoa học để giúp hạn chế lượng rác thải nhựa, thì ngay từ bây giờ cá nhân mỗi người hãy góp phần chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa ra đại dương bằng những hành động nhỏ hằng ngày trong đời sống:

  • Không vứt rác thải ra sông vì đây là nguồn rác chính đổ thẳng ra biển. Thay vào đó hãy bỏ rác đúng nơi quy định, thu gom và xử lý rác thải đúng trình tự. Kết hợp phân loại rác tại nguồn để tránh mất thời gian trong quá trình xử lý.
  • Không vứt rác ra bãi biển, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của mọi người. Thường xuyên tổ chức các buổi dọn dẹp rác ngoài bãi biển để kêu gọi mọi người cùng tham gia góp phần bảo vệ môi trường.
  • Các cơ quan ban ngành, bộ, phường thực hiện nhiều chính sách và chương trình dự án giảm rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt để hướng tới mục tiêu toàn xã hội không thải rác thải nhựa trong tương lai.
  • Các trường học tuyên truyền, giáo dục ý thức học sinh, sinh viên, bỏ rác đúng quy định, nên trang bị thêm nhiều thùng rác nhựa, thùng rác phân loại…hoặc có thể phát động nhiều chương trình hành động vì môi trường như gom giấy, sách vở…đổi cây xanh, balo.
  • Hạn chế sử dụng đồ nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần (cốc, thìa…) những đồ vật này thường xuất hiện trong các buổi dã ngoại, khi mua đồ ăn nhanh hoặc các sự kiện khác…Hiện nay, một số nước như Rwanda, Băng La Đét đã cấm sản xuất và bán túi polythene. Israel, Nam Phi đánh thuế túi nhựa, vật liệu đóng gói, thuế đổ rác ở bãi rác hoặc đốt rác… Đây đều là những biện pháp tích cực từ Chính phủ các nước, nhằm phổ biến rộng rãi và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân hơn nữa.

Trên đây là top 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đóng góp 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa vào đại dương. Với tình trạng “ô nhiễm trắng” ngày càng đáng báo động như hiện nay thì việc hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nilon, nhựa đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự chung tay chung sức từ cộng đồng. Do đó, với tinh thần trách nhiệm vì môi trường của xã hội để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa thải ra môi trường R One đã xây dựng hàng loạt giải pháp nhằm đồng hành cùng cộng đồng trên con đường kiến tạo vòng đời cho rác, biến rác từ những vật không thể thành có thể. 

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo vệ môi trường sẽ tạo nên hành tinh xanh, nguồn nước sạch và bầu không khí tinh khiết cho mọi người là trọng tâm cho mọi hoạt động của R One.

Hãy chung tay cùng với R One đưa Việt Nam thoát khỏi top 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa nhất ra đại dương.

10 Comments

Comments are closed.