DỊCH COVID – 19 Ở HUẾ, RÁC THẢI TẠI KHU CÁCH LY SẼ RA SAO?

DỊCH COVID – 19 Ở HUẾ, RÁC THẢI TẠI KHU CÁCH LY SẼ RA SAO?

Sự hy sinh thầm lặng của những công nhân môi trường thu gom rác thải tại khu cách ly ở Thừa Thiên Huế.

Rác thải tại khu cách ly gồm những gì?

Hơn 2 năm, từ khi sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc diễn ra, các nước trên thế giới phải đối mặt với vấn đề nan giải xuất phát từ chất thải rắn y tế nhiều hơn bao giờ hết và cách xử lý lượng rác đó ra sao.

Thực tế, rác thải tại khu cách ly cũng như rác thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế…đều có tính lây nhiễm. Phần lớn rác thải y tế trong các trận đại dịch gồm khẩu trang, găng tay dùng một lần, tấm chắn giọt bắn, trang phục phẫu thuật, trang phục bảo hộ, giấy lau mũi miệng, các rác thải sinh hoạt thông thường và rác thải sinh hoạt có chứa mầm bệnh từ người nhiễm…nếu lúc thu gom, công nhân không được trang bị trang phục bảo hộ và không cẩn thận thì dễ dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh từ chất thải của người trước.

Thực trạng việc xử lý rác thải y tế của Việt Nam sau đại dịch

Ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam đang ráo riết xử lý rác thải từ những khu cách ly tập trung, cơ sở y tế khám chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19. Hầu hết rác thải tại những điểm nóng này sẽ được chuyển cho các đơn vị có chức năng ở địa phương gần nhất của từng nơi để xử lý hoặc nếu lượng rác phát sinh tại khu vực xảy ra dịch quá tải, quá năng lực xử lý của địa phương, sẽ phải chuyển cho các đơn vị có chức năng ở địa phương khác để kịp thời xử lý. 

Thời gian qua, các tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh) có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước với số ca lây nhiễm cộng đồng cao. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, các tỉnh này đang chú trọng đến công tác xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị các bệnh nhân Covid-19. 

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trong những tỉnh thành ở khu vực Đông Nam Bộ bùng phát dịch mạnh mẽ nhất, do vậy lượng rác thải y tế cũng tăng đột biến. Vì vậy, để đảm bảo việc thu gom và xử lý triệt để, tránh tình trạng tồn đọng rác thải liên quan đến Covid-19, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Thành phố đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phải tăng cường hơn trong việc thực hiện công tác của mình để kịp thời ứng phó với rác thải y tế phát sinh ngày càng nhiều do dịch.

Được biết, trên địa bàn TP.HCM có bốn đơn vị tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, bam gồm: Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM, Công ty CP Môi trường Việt Úc, Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh. Tổng công suất xử lý của các đơn vị trên là 159 tấn/ngày.

Nhằm phục vụ tốt cho công tác thu gom vận chuyển và xử lý rác thải y tế phát sinh, các công ty đã huy động 95 phương tiện thu gom, vận chuyển các loại, với hơn 400 công nhân tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý. Công tác này phải thực hiện trong ngày để đảm bảo chất lượng vệ sinh và an toàn.

Ngoài ra, để thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, tiếp nhận thông tin phản ánh kịp thời trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải y tế phát sinh tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến… Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng phần mềm để hỗ trợ cho công tác này. Phần mềm này cho phép các đơn vị thu gom báo cáo số liệu và gửi hình ảnh tại hiện trường; hỗ trợ việc lập báo cáo khối lượng đã thu gom, gửi hình ảnh, tình hình tại các khu điều trị, khu cách ly, tổng hợp, xuất báo cáo kèm hình ảnh. Đơn vị thu gom có thể báo cáo theo ngày, theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện và Thành phố.

Trước những giải pháp mà tuyến đầu của khu vực Đông Nam Bộ đã triển khai, thực hiện. Vậy khu vực vùng Trung Bắc Bộ đã có những giải pháp nào cho riêng mình?

Huế và giải pháp xử lý rác thải tại khu cách ly

Bắt đầu một ngày mới, để đảm bảo an toàn và tránh lây lan, phát tán dịch Covid-19 tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ra ngoài cộng đồng, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải liên quan đến dịch Covid-19 tại các cơ sở cách ly với quy trình thực hiện nghiêm ngặt.

Tại các khu cách ly ở Thừa Thiên Huế, mỗi ngày có một lượng lớn rác thải cần xử lý, trong số đó không chỉ có rác thải sinh hoạt thông thường, mà còn là rác thải y tế mang nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn cho bản thân công nhân thu gom cũng như tránh phát tán dịch, người thu gom được trang bị trang phục bảo hộ, cũng như luôn phải tuân thủ chặt chẽ quy trình khi thực hiện.

Hằng ngày, 30 công nhân thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) cùng 5 xe chuyên dụng được phân chia thành các tổ để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại 19 điểm cách ly với tổng khối lượng rác thải gần 3 tấn/ngày. Ngoài thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, cần phải bảo đảm an toàn theo đúng quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước; hướng dẫn của Bộ Y tế; Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh.

Thùng rác được dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHA SARS-CoV-2″
(Ảnh: Sưu tầm)

Phương tiện vận chuyển là xe tải thùng kín khít chuyên dụng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, các thùng chứa rác có dung tích 240 lít có nắp đậy kín, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”, bảo đảm trong quá trình vận chuyển tuyệt đối không để chất thải phát tán ra môi trường. Toàn bộ phương tiện, các thiết bị vận chuyển rác thải đều được khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính trước khi xuất phát đến nơi thu gom. Rác thải được công nhân thu gom bằng hình thức thùng đổi thùng, việc này nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp với rác thải có tính lây nhiễm.

Công nhân tiến hành phun xịt khuẩn đảm bảo trong suốt quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác liên quan đến dịch Covid-19 ở các khu cách ly
(Ảnh: Sưu tầm)

Khi thu gom, các thùng chứa chất thải được công nhân tiến hành phun khử khuẩn bên ngoài và bên trong thùng, tiến hành cân ghi chép lại khối lượng và di chuyển thùng rác lên xe vận chuyển. Trung bình, mỗi xe vận chuyển được 18 thùng rác loại 240 lít. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đội ngũ thu gom còn phải tiến hành phun khử khuẩn khu vực lưu chứa rác thải và xe vận chuyển trước khi xe di chuyển ra khỏi điểm thu gom. 

Khi về đến nơi xử lý, rác thải được xử lý phun khử khuẩn thêm một lần nữa, sau đó được xử lý bằng lò đốt nhiệt độ cao ngay trong ngày. Kết thúc quá trình vận chuyển, các thùng rác được phun khử khuẩn, xịt rửa sạch và đem phơi nắng để tiếp tục cho lần sau.

Các công nhân tiến hành xử lý rác thải liên quan đến Covid-19 sau khi tập kết
(Ảnh: Sưu tầm)

Qua bài viết trên, có thể thấy các công nhân môi trường đã không ngần ngại dịch bệnh mang tính lây lan mà hy sinh bản thân để thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Dù không trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch như các y bác sĩ ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến… nhưng không thể phủ nhận về mức độ nguy hiểm của công việc mà tất cả những người công nhân môi trường phải làm.

Cùng với các giải pháp, nỗ lực của cơ quan chức năng phối hợp với các công ty môi trường, để góp phần thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về chăm sóc sức khỏe, chú trọng thực hiện 5K, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách để ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ môi trường.