In Tin mới
Công nghệ xử lý rác thải nhựa hiện đại trên thế giới (Phần 1)
Công nghệ xử lý rác thải nhựa hiện đại của các quốc gia trên thế giới đã trở thành điểm nổi bật của riêng mình, trong khi đó lại có rất nhiều nước trên thế giới vẫn đang loay hoay trước vấn nạn “ô nhiễm trắng”.
Mỗi năm, có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường – số rác này có thể nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu, trong số đó hơn một nửa là những sản phẩm nhựa dùng một lần.
Rác thải nhựa – tiện một phút, hại nghìn năm. Với những tiện ích từ những chiếc túi nilon, cốc nhựa, ống hút…sau khi dùng xong, sẽ được thải bỏ trực tiếp ra môi trường và phải mất từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm mới có thể phân huỷ được. Trước vấn nạn về rác thải nhựa mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang gồng mình để chiến đấu, thì những quốc gia đi đầu trong việc tái chế rác thải nhựa đã có những công nghệ tái chế hiện đại của riêng mình. Vậy các bạn có thắc mắc những quốc gia có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới là những quốc gia nào không? Cùng theo dõi tiếp bài viết bên dưới nhé.
1. Thuỵ Điển – 99% rác thải được tái chế
Thuỵ Điển được biết đến là một trong những quốc gia phát triển bền vững hàng đầu thế giới, với mục tiêu hướng tới một xã hội không rác thải. Tại đây, rất nhiều rác thải được ứng dụng công nghệ xử lý rác thải nhựa bằng cách tái chế và sử dụng cho các mục đích khác nhau như khí sinh học và năng lượng. Thuỵ Điển thực tế đã quan tâm đến môi trường từ rất lâu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới, thậm chí là các nước Liên minh Châu Âu (EU). Vào năm 1991, Thuỵ Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó phải kể đến điện năng tiêu thụ ở Thuỵ Điển có tới khoảng 50% từ năng lượng tái tạo.
Trong nhiều năm liền đi đầu ở khâu tái chế, hiện nay Thuỵ Điển trở thành quốc gia nhập khẩu rác thải, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn rác thải mỗi năm. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thuỵ Điển mang rác thải ra bãi (theo Independent).
Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại Thuỵ Điển này đều đã được tái chế bằng nhiều cách khác nhau. So với năm 1975, chỉ có khoảng 38% lượng rác thải được tái chế, nhưng ở thời điểm hiện tại con số này đạt đến gần 100% nhờ cuộc cách mạng tái chế rác thải trong suốt thời gian vừa qua.
Tại quốc gia này, một chính sách về tái sử dụng toàn quốc được tiến hành rất đồng bộ, chặt chẽ. Do đó, các công ty tư nhân cũng tham gia vào nhập khẩu và đốt rác để cung cấp năng lượng cùng một mạng lưới sưởi ấm quốc gia dành cho mùa đông lạnh giá tại nơi đây.
2. Áo – dùng enzyme để tái chế nhựa PET
Áo là quốc gia nhỏ bé nhưng đã làm được những điều to lớn trong việc xử lý rác thải. Nổi bật nhất trong công nghệ xử lý rác thải nhựa phải nhắc đến là công nghệ sinh học để tái chế nhựa PET của Áo. Khi trên thế giới hiện đang phải đau đầu vì rác thải nhựa với giải pháp tái chế là đốt hoặc nghiền nhỏ, vốn có chất lượng sau tái chế rất kém. Thì tại Áo, một công ty đã phát triển giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzyme từ một loại nấm để tái chế nhựa PET.
Enzyme từ nấm sẽ làm PET phân huỷ thành phân tử, sau đó các phân tử này trải qua quy trình tái chế nghiêm ngặt để chuyển thành nhựa chất lượng cao. Phương pháp này của Áo được các chuyên gia môi trường quốc tế đánh giá cao, đã làm thay đổi bộ mặt môi trường của quốc gia này. Nhờ vào việc phát hiện ra loại enzyme “ăn nhựa” đặc biệt này, các nhà quản lý môi trường có thêm một lựa chọn hiệu quả để tái chế nhựa PET, thay vì cách đốt hoặc nghiền nhỏ rác thải gây hại môi trường như trước.
3. Na Uy – 97% chai nhựa được tái chế
Với tỷ lệ tái chế lên đến 97%, Na Uy hiện là nước đi đầu các nước thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, vượt trên cả Pháp và Anh – hai nước hiện đang có tỷ lệ tái chế rác thải nhựa là 60%.
92% chai nhựa sản xuất tại Na Uy được làm từ vật liệu nhựa chất lượng cao và có thể tiếp tục dùng để đựng nước uống. Loại nhựa bắt buộc phải thải ra môi trường vì không thể tái chế được, chỉ có chưa đến 1%. Do vậy, vòng đời của một số chai nhựa ở Na Uy có thể tái chế đến 50 lần. Điều này đã biến Na Uy trở thành hình mẫu của cá thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bí quyết giúp quốc gia này có được bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là áp dụng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống “đặt cọc”. Khi người tiêu dùng mua các loại nước đóng chai, họ sẽ phải trả tiền cho cả chiếc chai nhựa, một khoản tương đương từ 3.000 – 7.000 VNĐ.
Nhưng không chỉ có người tiêu dùng phải thực hiện giải quyết vấn đề môi trường, cả chính phủ Na Uy cũng đang nhắm mục tiêu giải quyết vấn đề này. Các sản phẩm nhựa ở Na Uy đang bị đánh thuế. Để có thể kêu gọi sự chung tay của cả ngành công nghiệp, chính phủ quốc gia này đã sẵn sàng miễn hoàn toàn thuế này cho tất cả các doanh nghiệp, nếu tỷ lệ tái chế trên toàn quốc đạt trên 95% – một con số nghe như hoàn toàn không thể xảy ra, nhưng đối với công nghệ xử lý rác thải nhựa tại đất nước Bắc Âu lại đang đạt được con số liên tiếp bảy năm trở lại đây.
4. Đức – rác là cơ hội kinh doanh
Vấn đề xử lý rác tại Đức rất được quan tâm, đặc biệt là rác thải nhựa từ lâu đã khiến chính phủ Đức phải dành sự quan tâm nhất định. Hiện nay, Đức gần như đứng đầu Châu Âu về công nghệ xử lý rác thải nhựa. Hầu như họ dùng rất ít nhựa nguyên sinh, đó là những chất tái chế từ các hạt nhựa thành phẩm của dầu mỏ và được dùng lần đầu.
Những năm gần đây, chính phủ Đức đã đưa ra những thông tin và yêu cầu các siêu thị phải cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường hơn (chẳng hạn như túi giấy), hoặc nếu khách hàng yêu cầu có túi nilon, họ phải trả tiền chứ không được miễn phí sử dụng như trước đây. Cũng chính vì điều này, lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị đã giảm đi đáng kể. Người dân đã thay túi nilon bằng những loại túi dùng nhiều lần hoặc mang túi vải để không phải mất tiền mua túi nilon.
Cùng với đó, Đức cũng có chính sách tốt và đồng bộ đối với việc sử dụng vật liệu đóng gói và chai nhựa được tái chế và được sử dụng nhiều lần. Quốc gia này đã đưa ra chế độ khi mua một món đồ uống đựng trong chai nhựa thì người mua sẽ phải trả thêm tiền chai nhựa, điều này nhằm khuyến khích khách hàng sau khi sử dụng xong thì có động lực đem trả lại chai cho siêu thị để lấy lại tiền. Hiện nay, Đức cũng đang phấn đấu là 98% số chai đựng chất lỏng bán trong các siêu thị đều sẽ được tái chế, tái sử dụng.
Một sáng kiến của Đức về tái chế rác được nhiều quốc gia liên minh Châu Âu học hỏi theo, đó là nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc hạn chế lượng rác thải. Theo đó, các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả tiền để có thể có được Green Dot (Điểm xanh) in trên bao bì sản phẩm. Nếu lượng bao bì sản xuất càng nhiều, doanh nghiệp sẽ phải trả càng nhiều chi phí. Để tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng ít giấy hơn, thuỷ tinh mỏng hơn và hạn chế kim loại, chính vì vậy lượng rác thải ra môi trường cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Mới đây, bộ môi trường Đức cũng đã công bố một kế hoạch giảm rác thải nhựa bằng 05 biện pháp cụ thể là: hạn chế bao bì, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, xây dựng thêm trạm tái chế rác, ngăn chặn nhựa vào chất hữu cơ, giảm thải nhựa ra biển.
Tái chế rác thải vẫn còn là vấn đề nan giải của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ ô nhiễm rác thải nhựa trên biển của Việt Nam đang đứng thứ 4 – một trong những top đầu gây ô nhiễm biển. Có lẽ đất nước chúng ta còn phải học hỏi thêm rất nhiều những công nghệ, những kế hoạch nâng cao chất lượng môi trường cũng như ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các quốc gia này.
Và trên đây là Phần 1 của các quốc gia hàng đầu trong công tác tái chế rác thải trên thế giới mà Recycle One muốn chia sẻ đến các bạn. Hãy cùng đón chờ Phần 2 của bài viết này nhé!
1 Comment
CÔNG NGHỆ XỬ LÝ RÁC THẢI NHỰA HIỆN ĐẠI TRÊN THẾ GIỚI (PHẦN 2) – Recycle One
3 years ago[…] chủ đề công nghệ xử lý rác thải nhựa trên giới mà R One đã chia sẻ ở Phần 1. Hôm nay R One sẽ mang đến những quốc gia nổi bật không kém cạnh ở phần […]
Comments are closed.