In Tin mới
Những chiến dịch vì môi trường tại Việt Nam bạn đã biết chưa?
Để bảo vệ môi trường trước lượng rác thải ngày càng khủng hoảng, ô nhiễm ngày càng cao vì thế ta cần các chiến dịch vì môi trường đã và đang tồn tại ở đó cho một hành tinh xanh.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề nóng, có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về môi trường bị ô nhiễm chỉ bằng một cú click chuột, các bài báo về môi trường tràn lan trên trang thông tin điện tử từ ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí hay đến cả ô nhiễm đất. Nguyên nhân chính đầu tiên xuất phát từ chính sự thiếu ý thức nghiêm trọng và sự thờ ơ của người dân trước vấn đề bảo vệ môi trường.
Đứng trước những thử thách trong công tác bảo vệ môi trường, quá trình thay đổi nhận thức của người dân khó khăn hơn bao giờ hết. Các chiến dịch vì môi trường đã và đang dần chạm đến mỗi người dân bằng những hành động thiết thực, những việc làm có ích cho môi trường. Đã có nhiều chiến dịch được ra đời nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của từng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… trong công tác bảo vệ môi trường. Sau đây, R One sẽ chia sẻ cho các bạn một số những chiến dịch đã diễn ra trong thời gian qua.
1. Chiến dịch “Tết xanh – Tết bền vững”
Với mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng đến một cuộc sống xanh – sạch – đẹp, chiến dịch vì môi trường năm 2022 được tổ chức bởi CLB Geoid trực thuộc Khoa Địa Lý Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Recycle One thực hiện chuỗi chương trình “Tết xanh – Tết bền vững”.
Chương trình được tổ chức đa dạng với các thể loại và nội dung như talk show, cuộc thi ảnh sống xanh, bộ ấn phẩm với nội dung bảo vệ môi trường đã mang sân chơi mới lạ với những kiến thức bổ ích về rác thải và môi trường. Đặc biệt, qua chương trình này có thể nâng cao nhận thức của các bạn sinh viên về tác hại của rác thải nhựa từ đó sẽ hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa dùng một lần và biết cách tái chế chúng.
Bên cạnh đó, Ông Mai Hoài An – CTO & Co-Founder của Recycle One đã vinh dự được chia sẻ quy trình công nghệ và chiến lược của doanh nghiệp nhằm đáp ứng ngành tái chế của Việt Nam thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp cho các bạn sinh viên có những cái nhìn mới hơn đối với quy trình tái chế rác thải nhựa hiện nay.
2. Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”
Chiến dịch vì môi trường mà R One muốn nhắc đến là chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (Clean Up the World) do Australia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 03 của tháng 9 hằng năm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường.
Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Có thể thấy, chiến dịch này là dịp đặc biệt để tuyên truyền, kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.
Năm 2021 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch covid 19 tại Việt Nam. Ngày 21/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động quốc gia Hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021”. Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 10 điểm cầu thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam.
Ở năm 2021, chiến dịch tập trung truyền tải thông điệp, nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế – xã hội, lan tỏa hành động bảo vệ môi trường, cổ vũ các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong trạng thái “bình thường mới”.
3. Chiến dịch “Giờ Trái đất”
Giờ Trái đất (Earth Hour) là một chiến dịch vì môi trường thường niên có quy mô toàn cầu, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund – WWF) khởi xướng, kêu gọi các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 1 giờ, từ 20h30 đến 21h30 vào ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Giờ Trái đất chính thức khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney, chiến dịch tắt đèn định kỳ hàng năm đã lớn mạnh trở thành một hành động về môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ các quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục cùng tham gia.
Mục đích của Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện, từ đó làm giảm lượng khí thải CO2 – một khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Năm 2022, chiến dịch này sẽ được diễn ra vào lúc 20h30 đến 21h30 ngày 26/03/2022. Hãy tắt đèn vì một trái đất tươi đẹp!
4. Chiến dịch “Nhân Nhựa”
Lượng rác thải nhựa ngày một tăng, chiến dịch “Nhân Nhựa” là chiến dịch truyền thông lấy hình tượng chủ đạo là thế giới viễn tưởng với thông điệp “Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai”. Khi những nhà Khoa học ở hiện tại phát hiện một thông điệp cảnh báo của loài sinh vật nửa người nửa nhựa đến từ tương lai mang tên Nhân Nhựa về tương lai tăm tối, khi con người hấp thụ quá nhiều vi nhựa.
Được biết, chiến dịch này là một hợp phần của dự án COMPOSE – Xây dựng nhựa trong xã hội và môi trường do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng với mục tiêu xây dựng chuyển động về mặt xã hội và môi trường của nhựa tại Việt Nam. Chiến dịch gồm 3 giai đoạn trải dài từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021.
Ở giai đoạn I (30/10 – 18/11/2020) cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Sài Gòn.
Giai đoạn II (19/11 – 27/12/2020) cung cấp những kiến thức ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam.
Giai đoạn III (tháng 1 – 3/2021) khuyến khích công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Đối với lượng rác thải nhựa khủng hoảng như hiện nay, đây quả là một chiến dịch vì môi trường có tầm nhìn sâu rộng. Đặc biệt trong bối cảnh mỗi lít nước ở sông Sài Gòn đổ ra biển có lượng vi nhựa gấp 1.000 lần sông Seine ở Paris.
5. Chiến dịch “Vì môi trường, nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon”
Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, nhựa không chỉ gây tác hại đối với môi trường mà còn đối với con người, đặc biệt đã có nhiều động vật biển đã chết vì ăn phải các sản phẩm nhựa như nắp chai, ống hút nhựa…
Xuất phát từ thực trạng đó, chiến dịch “Vì môi trường, nói không với các sản phẩm nhựa và túi nilon” ra đời với mong muốn môi trường sẽ dần trở nên sạch đẹp hơn, sức khỏe của mọi người được cải thiện hơn. Chiến dịch vì môi trường lần này tập trung thay đổi thói quen sử dụng các đồ dùng sinh hoạt của cá nhân và gia đình theo 5 cách để bảo vệ môi trường.
1. Mang theo túi khi đi mua đồ
Túi nilon có ưu điểm tiện dụng, gọn nhẹ, dễ dùng nhưng để hạn chế lượng rác thải không đáng có này xuất hiện ngoài môi trường, chiến dịch khuyến khích mọi người sử dụng túi do mình tự mang theo, có thể tái sử dụng được nhiều lần giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
2. Ngừng mua nước uống đóng chai nhựa
Khi đi ra ngoài, hạn chế mua những loại nước đóng chai, có thể mang theo bình nước cá nhân vừa an toàn cho sức khỏe và giảm thiểu rác thải nhựa rất hiệu quả. Nếu bắt buộc phải dùng thì nên tái chế chai nhựa thành những vật dụng hữu ích.
3. Ngừng sử dụng ống hút nhựa
Ống hút nhựa dùng một lần thật tiện dụng nhưng thời gian phân huỷ lại mất đến 500 – 1000 năm đang góp phần hủy hoại môi trường. Chính vì điều này, nhiều người đã bỏ ống hút nhựa, chuyển sang sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường như ống hút inox, ống hút giấy, ống hút tre, bột gạo…
4. Đổi bỉm dùng một lần sang khăn vải
Mỗi ngày, bỉm trẻ em được thải ra môi trường rất nhiều nhưng chưa có cách này để xử lý triệt để lượng rác này. Để bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí cho gia đình, có thể thay thế bỉm có chứa nhiều thành phần từ nilon sáng các loại bỉm vải dùng nhiều lần, chất lượng lại rất tốt.
5. Chọn bìa carton
Bìa carton hay hộp giấy, túi giấy… dễ tái chế hơn các sản phẩm nhựa, dễ phân huỷ trong tự nhiên hơn. Thay vì đóng đồ bằng hộp nhựa dùng 1 lần hay túi nilon, có thể thay thế bằng sản phẩm giấy để bảo vệ môi trường.
6. Chiến dịch “Khu phố xanh”- TP.HCM
Nhằm để cải thiện môi trường sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường. “Khu phố xanh” là chiến dịch vì môi trường nhằm cải tạo môi trường sống tại các khu dân cư trên địa bàn TP.HCM và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, chiến dịch được hợp tác giữa CHANGE và Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam, nhằm chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả mọi người, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Do vậy, chiến dịch “Khu phố xanh” mong muốn có thể giúp các khu phố có không gian cộng đồng xanh hơn để sống, học tập và rèn luyện lối sống bền vững hơn, tăng cường nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
7. Chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa”
Khởi động chiến dịch “Non, biển chung tay – Dọn ngay rác nhựa” ngày 24/01/2022, nhằm kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa một lần. Khi hành tinh đang ngập tràn trong hàng tỷ tấn rác thải nhựa. Mỗi năm, con người thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, có thể ước tính tương đương với trọng lượng của tất cả mọi người trên trái đất, nhưng điều đáng buồn là chỉ có 9% trong số đó được tái chế thành sản phẩm mới.
Chiến dịch này được triển khai trong sáu 6 gồm các hoạt động được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại các tỉnh thành: Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Thông điệp mà chiến dịch này mong muốn gửi đến mọi người là Hãy lựa chọn nhìn vào sự thật và có trách nhiệm với xã hội; Đừng ngại chọn con đường đúng dù đó là lối khác biệt và khó khăn và người hiện đại không ngại hành động để chọn lối sống xanh vì mình vì mọi người.
Ngoài ra, chiến dịch vì môi trường này cũng đưa ra lời nhắc nhở người dân trên khắp nơi, dù sống ở miền núi, đồng bằng hay ven biển đều cần đóng góp và nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, trả lại màu xanh cho biển cả, bảo vệ môi trường của chúng ta.
Trên đây là một số chiến dịch vì môi trường đã và đang được diễn ra nhằm góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sống của chúng ta mà Recycle One muốn chia sẻ đến mọi người. Chúng ta hãy cùng tham gia vào các chiến dịch bảo vệ môi trường để giúp trái đất của ngày càng xanh – sạch – đẹp nhé!
1 Comment
Những chiến dịch vì môi trường tại Việt Nam bạn đã biết chưa? – Tìm hiểu môi trường
3 weeks ago[…] rác thải ngày càng khủng hoảng, ô nhiễm ngày càng cao vì thế ta cần các chiến dịch vì môi trường đã và đang tồn tại ở đó cho một hành tinh […]
Comments are closed.