In Tin mới
Có thể bạn chưa biết? – Vòng đời của các sản phẩm điện tử
Vòng đời của sản phẩm điện tử diễn ra như thế nào? Rác thải điện tử có nguy hại? Cùng tìm hiểu về vòng đời của các sản phẩm điện tử để hạn chế những ảnh hưởng của chúng đến môi trường nhé!
Hàng ngày, con người thải ra môi trường một khối lượng lớn rác thải với nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, không thể không kể đến sự nguy hại của rác thải điện tử. Tuy nhiên, do sự cần thiết trong cuộc sống hàng nên tác hại cũng như những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của rác thải điện tử chưa thực sự được quan tâm.
Rác thải điện tử là gì? Rác thải điện tử là những sản phẩm điện hoặc điện tử ở vòng đời cuối như hư hỏng, lỗi thời,…và những loại rác này có thể đem tái chế được như đĩa DVD, máy in, tivi, điện thoại, laptop,…
Những năm gần đây, rác thải điện tử trở thành thành phần rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh do nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến là do số lượng thiết bị điện tử được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, nhiều đơn vị sản xuất kém chất lượng khiến cho tuổi thọ của sản phẩm tỷ lệ thuận với giá thành. Những sản phẩm càng rẻ, tuổi thọ sử dụng càng thấp dẫn đến vòng đời của chúng xảy ra ngắn hơn và sản phẩm điện tử khi hư hỏng ít được sửa chữa mà thay vào đó là mua mới.
Rác thải điện tử nếu không có những biện pháp xử lý phù hợp không chỉ tác động đến môi trường mà chúng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đốt rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm. Các chất thải dioxin khi đốt rác thải điện tử rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi. Các chất như chì và baric chứa trong tivi, màn hình máy tính dễ ngấm vào đất và nước ngầm dễ ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua sinh hoạt hằng ngày. Có thể thấy, tác hại của rác thải điện tử là vô cùng nghiêm trọng, tuy nhiên cho đến nay công tác thu gom, xử lý chúng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hiện tại, dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải điện tử ngày càng phổ biến.
Năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường và phát sinh đến 257.000 tấn rác thải điện tử. Mặc dù chất thải điện tử tại Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp hơn trung bình của Thế giới nhưng trong những năm gần đây, rác thải điện tử đang gia tăng nhanh chóng và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chủng loại. Cho đến nay, tại Việt Nam rác thải điện tử nằm trong nhóm chất thải nguy hại cần được thu hồi và xử lý. Tuy nhiên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một lượng lớn chất thải điện tử còn tồn tại trong môi trường vẫn chiếm tỷ lệ cao, để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tình trạng trạng này, việc tìm hiểu vòng đời của các sản phẩm điện tử là rất cần thiết. Vậy vòng đời của một sản phẩm điện tử diễn ra như thế nào? Hãy theo dõi bài viết này của R One để biết thêm thông tin nhé.
- Khai thác
Để có thể chế tạo ra các linh kiện điện tử con người tiến hành khai thác các nguyên liệu thô (sắt, nhôm, đồng, bạc…). Cùng với sự phát triển hiện nay, khối lượng các sản phẩm điện tử được sản xuất là rất lớn kéo theo đó là vấn đề khai thác diễn ra với tần suất dày đặc ở khắp nơi trên Thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Không chỉ về tài nguyên, quá trình khai thác nhiên liệu này còn tác động rất lớn đến môi trường nếu không có những biện pháp xử lý phù hợp.
2) Chế tạo
Sau khi được khai thác các nhiên liệu sẽ được vận chuyển đến các nhà máy và chế tạo thành các nguyên vật liệu, phụ kiện, phù tùng linh kiện hoặc bán thành phẩm để cung cấp cho các ngành khác. Tại quá trình này, các nhiên liệu như sắt, nhôm, đồng …sẽ được chế tạo ra một số linh kiện như Đi-ốt, điện trở, transistor, tụ điện, cầu chì…Quá trình này cũng sẽ thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước và không khí.
3) Sản xuất
Các nguyên vật liệu, phụ kiện, phù tùng linh kiện hoặc bán thành phẩm sẽ được phân phối đến các ngành công nghiệp khác, tùy từng sản phẩm hoàn chỉnh sẽ cần những linh kiện khác nhau. Tụ điện là một linh kiện điện tử không thể thiếu trong các thiết bị điện – điện tử hằng ngày như máy quạt, tivi, tủ lạnh,… Điốt được sử dụng để bảo vệ các tâm pin mặt trời hay cầu chì trong các mạch điện. Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần rất nhiều các linh kiện, tùy theo tính chất đặc thù của từng sản phẩm. Ở quá trình này, cần đưa ra các giải pháp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của chất thải đến con người và môi trường.
4) Phân phối và tiêu thụ
Một sản phẩm điện – điện tử sau khi sản xuất hoàn chỉnh sẽ được phân phối tại các công ty, hệ thống bán lẻ, các ngành công nghiệp khác nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Sau khi sử dụng, các sản phẩm này trở thành rác thải điện tử. Nếu không có những biện pháp thu gom, xử lý hay tái chế phù hợp thì chất thải này sẽ rò rỉ và gây tác động xấu đến môi trường. Ở giai đoạn này, chúng sẽ được chia ra làm hai hướng được tái chế và không tái chế.
5) Tái chế
Tái chế rác thải điện tử là chủ yếu quá trình phân loại thành phần và thu hồi kim loại, tương tự vòng đời của các sản phẩm đã được nêu ở những bài viết trước (Vòng đời của nhựa, vòng đời của giấy, vòng đời của kim loại), mỗi sản phẩm sẽ được tái chế theo từng phương pháp đặc thù khác nhau. Rác thải điện tử sau khi được phân loại, thu gom sẽ được vận chuyển đến các đơn vị tái chế. Tại đây, chúng sẽ được tháo dỡ và được phân thành phần tái chế được và không tái chế được. Phần tái chế được như dây điện, vỏ, bao,..sẽ mang đi tái chế và sử dụng lại, một số linh kiện có chứa kim loại khác sẽ được nghiền hoặc ép sau đó được phân tách (dùng không khí, trọng lực điện), thông qua phương pháp thủy luyện hoặc hỏa luyện, các kim loại sẽ được chuyển thành dung dịch và tiếp tục tái chế. Phần không tái chế được, không chứa kim loại như chất làm lạnh hoặc dầu nhớt sẽ được mang đi xử lý hoặc đổ bỏ. Phương pháp thủy luyện và hỏa luyện tuy phân tách được kim loại với các chất khác nhưng chúng cũng tác động rác lớn đến môi trường. Phương pháp hỏa luyện có tỷ lệ thu hồi thấp và gây ô nhiễm không khí do chứa nhiều hợp chất hữu cơ, đặc biệt là nhựa.
6) Không tái chế
Cho đến nay, rác thải điện tử vẫn còn đang là vấn đề nan giải ở nước ta. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cánh, rác thải điện tử sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện đến con người và môi trường cả trực tiếp và gián tiếp. Trong thời gian chúng tồn tại trong môi trường mà chưa được xử lý, các chất độc có trong rác thải điện tử như thủy ngân, chì sẽ ngấm vào đất, mạch nước ngầm sẽ dễ dàng đi vào cơ thể con người và sinh vật. Hơn thế nữa, rác thải điện tử tại các bãi chôn lấp thường bị đốt bỏ bằng lò đốt sẽ giải phóng ra hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí.
Rác thải điện tử mang lại nhiều nguy hiểm, chính vì vậy không nên đốt hoặc xử lý chúng một cách bừa bãi, không đúng quy định. Trước tiên, chúng ta cần phải phân loại, để rác thải điện tử được xử lý theo đúng quy trình. Ngoài ra, việc chọn mua các sản phẩm chất lượng kèm theo đó là tuổi thọ sử dụng lâu dài cũng góp phẩm giảm đi tình trạng ô nhiễm môi trường. Bạn dùng sản phẩm giá rẻ một năm, nhưng hậu quả môi trường phải gánh chịu lên đến hàng trăm năm.
Số lượng rác thải điện tử tăng nhanh tạo ra những áp lực lớn về môi trường và sức khỏe, cho thấy sự cấp thiết phải kết hợp cuộc cách mạng công nghiệp với nền kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác xử lý và tái chế rác thải điện tử cần được cải thiện và nâng cao nhằm mang lại hiệu quả cao. Hãy cùng R One kiến tạo vòng đời cho rác nha.