In Tin mới
Thành phố Huế: Nỗ lực phi thường để trở thành điểm đến không rác thải nhựa
Tp. Huế trong những năm gần đây đã không ngừng nỗ lực để giảm lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường đồng thời xây dựng nơi đây trở thành điểm đến xanh, sạch và bền vững.
Vấn nạn rác thải nhựa trên địa bàn Tp. Huế
Tp. Huế là một trong số các đô thị lớn ở Việt Nam và đang duy trì đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Không chỉ là trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh, của vùng mà nơi đây còn là trung tâm du lịch với lượt khách trong nước lẫn quốc tế đều cao (ngoại trừ thời điểm chịu tác động của đại dịch covid-19). Tình hình phát triển trên cũng đặt ra thách thức lớn về môi trường cho Tp. Huế khi phải giải quyết rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn.
Theo thống kê năm 2021, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở Tp. Huế khoảng 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Mặc dù tỷ lệ thu gom đạt tương đối cao nhưng khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố ước tính cũng vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh.
Việc thất thoát rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển, tác động đến hoạt động du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản. Nghiêm trọng hơn là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó được kiểm soát ở mỗi mùa du lịch, lễ hội lớn trong năm khiến đây trở thành nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.
Những cam kết và hành động mạnh mẽ, quyết liệt
Đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa trên, chính quyền Tp. Huế đã đề ra các cam kết và hành động vô cùng quyết liệt, mạnh mẽ nhằm từng bước giải quyết thực trạng trên. Minh chứng rõ nhất là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam) đã đánh giá tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố rất cao 98% (năm 2020). Đây là sự cố gắng không chỉ của cơ quan chức năng mà còn là tinh thần, ý thức bảo vệ môi trường của tập thể doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Không chỉ tập trung vào công tác thu gom mà hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức cho người dân cũng rất được quan tâm. Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án (CRET, 2021) về hệ thống quản lý chất thải rắn ở Tp. Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng đã đưa ra kết quả khảo sát vô cùng lạc quan. Cụ thể có hơn 83% hộ được phỏng vấn ở khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai cho rằng rác thải nhựa gây tác hại xấu cho sức khỏe con người. Ngoài ra có đến 59,1% người được phỏng vấn đồng ý và hoàn toàn đồng ý rằng, rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường đất và các loại sinh vật biển.
Phong trào “Chủ nhật xanh” với chủ đề “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch – sáng” được khởi xướng từ năm 2019 đến nay cũng được lan toả mạnh mẽ đến mọi tầng lớp xã hội. Bên cạnh đó, hàng loạt phong trào và hoạt động bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa cũng được người dân Tp. Huế nói riêng hưởng ứng như: “Tổ dân phố không rác”, “Thôn làng không rác”, “Xây dựng tuyến đường xanh- sạch- đẹp”, “Tuyến đường không túi ni lông, không rác thải”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Chúng ta hãy làm sạch biển”.
Điểm đến không rác thải nhựa của miền Trung Việt Nam?
Là địa phương được nhiều lần khen ngợi về điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu sử dụng ô nhiễm do rác thải nhựa, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Tp. Huế nói riêng sẽ tiếp tục phát triển để trở thành điểm đến không rác thải nhựa ở tương lai.
Một trong số những bằng chứng về nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa là tại hội thảo khởi động Dự án “Huế – Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức đã cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát vào năm 2024. Đồng thời cam kết đến năm 2024, Huế trở thành Đô thị Giảm Nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.
Ở một khía cạnh khác các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng không đứng ngoài khi những siêu thị ở Huế như Coopmart, Big C đã triển khai mô hình dùng lá chuối gói rau, củ… nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông sử dụng 1 lần. Hay Ban Quản lý chợ Đông Ba vận động tiểu thương ký cam kết và thực hiện đựng hàng hóa bằng túi giấy tự hủy thân thiện với môi trường. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có phong trào “Di sản Huế nói không với túi ni lông”. Tất cả đều cho thấy trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, bên cạnh cơ chế, chính sách thì yếu tố nhận thức, hành động của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn, quyết định kết quả cuối cùng.
Tp. Huế đã có những bước đi táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn để hướng đến phát triển bền vững. Trong tương lai, đây sẽ là điểm đến không rác thải nhựa tại miền Trung Việt Nam, là mô hình kiểu mẫu để nhiều đô thị lớn trên cả nước dõi theo học hỏi.