Nhập khẩu rác tại Việt Nam: Tốt hay xấu và vẫn còn tồn tại chứ?

Nhập khẩu rác tại Việt Nam: Tốt hay xấu và vẫn còn tồn tại chứ?

Chắc hẳn bạn luôn đọc được các bài báo nói rằng mỗi ngày Việt Nam chúng ta thải ra bao nhiêu tấn rác ra ngoài môi trường và những thứ rác ấy ô nhiễm ra sao khi không được xử lý triệt để. Tuy vậy, bạn có biết rằng theo một nghiên cứu chung giữa Greenpeace Đông Á và Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế cho lò đốt (GAIA) cho biết Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa có số lượng lớn nhất năm 2018, đứng thứ 3 với 7,6% tổng lượng rác nhập khẩu toàn cầu. Hãy cùng R One tìm hiểu bài viết dưới đây để biết được rằng tình trạng nhập khẩu rác tại Việt Nam và trên thế giới nha.

Vậy tại sao vẫn còn tình trạng nhập khẩu rác xảy ra?

Thế giới tạo ra khoảng hai t tấn chất thải hàng năm, và các ước tính gần đây nhất cho thấy rằng khoảng một phần mười lượng chất thải này xâm nhập vào hoạt động buôn bán “thùng rác toàn cầu”. Có một sự thật đáng bất ngờ đó là những nước phát triển hay chúng ta có thể nói là những nước giàu có hơn thường gửi chất thải của họ sang các nước nghèo hơn, những nơi có những người lao động lương thấp làm công việc phân loại rác. Thông thường, ở hầu hết các nước đã phát triển, các dịch vụ thu gom và tái chế rác thải nhựa của họ cũng phát triển tốt hơn. Vì thế, khi người tiêu dùng siêng năng phân loại và tái chế rác thì việc tin tưởng vào hệ thống tái chế tại địa phương sẽ giúp họ loại bỏ phần lớn cảm giác tội lỗi về tinh thần khi tiêu dùng. Và đây cũng là cũng chính là một trong những lý do mà vấn đề nhập khẩu rác bắt đầu xuất hiện. Đối với các nước phát triển, việc vận chuyển các “thùng rác nhựa” to lớn qua một nơi cách nửa vòng trái đất để được “tái chế” ở các nước đang phát triển thường sẽ rẻ hơn so với việc tự mình xử lý hàng đống rác cần tái chế ấy.

Trong khi đó, nhập khẩu và tái chế rác có thể được cho là một ngành “công nghiệp xanh” hợp pháp và sinh lời ở các nước đang phát triển, thậm chí có các công ty còn nhập khẩu rác bất hợp pháp và xử lý chúng qua chỉ qua các hình thức đốt hay chôn lấp không hợp lý lại gây ra các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn cho các nước đó. 

Vậy ai là người có lỗi và chịu trách nhiệm cho việc này nhỉ? Người nhập khẩu rác hay là người thải ra lượng rác đó để mang đi tái chế? Chúng ta cần phải nghiêm khắc nhìn nhận lại vấn đề này vì dù các loại chất thải đó được mang đi xa đến đâu và được xử lý như thế nào thì cuối cùng nó vẫn nằm ở đâu đó trên Trái đất chúng ta, bên cạnh chúng ta. Trong khi đó, những tác động tiêu cực tức thời của chất thải nhập khẩu này được cảm nhận một cách sâu sắc nhất không chỉ tại địa phương mà cả hệ sinh thái toàn cầu đều phải gánh chịu hậu quả về lâu dài.

Công ước Basel được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn việc chuyển giao chất thải nguy hại từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Điều quan trọng, công ước đặt gánh nặng lên các nước xuất khẩu (thường là các nước phát triển) không tham gia vào việc bán phá giá vô trách nhiệm ở những nơi khác.

Tuy nhiên, công ước không phân biệt nhựa tái chế với rác thải nhựa hỗn hợp bị ô nhiễm, điều này đã tạo ra kẽ hở cho việc xuất khẩu bất kỳ loại rác thải nhựa nào đó. Liên minh châu Âu là nhà xuất khẩu rác nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, tiếp theo là Hoa Kỳ, quốc gia xuất khẩu khoảng một phần ba lượng nhựa tái chế của mình. Năm 2018, Hoa Kỳ đã bán hơn 40 triệu tấn phế liệu ra nước ngoài, thu về khoảng 20 tỷ đô la, cũng là một bên không tham gia công ước.

Sau nhiều năm trở thành bãi rác của thế giới, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tất cả các loại chất thải nhựa vào tháng 1 năm 2018. Tuy nhiên, động thái này chỉ đơn thuần là chuyển hướng việc nhập khẩu rác thải đi xa hơn, chủ yếu đến các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. và Philippines và tất nhiên là có Việt Nam của chúng ta trong đó. Và chắc hẳn là ta không cần nhắc quá nhiều đến những tác hại mà rác thải nhựa đã gây ra cho chúng ta đúng không các bạn? Đó là một trong những điều tồi tệ mà rác thải nhựa đã và đang ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống chúng ta. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà chúng ta thường bàn về ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm không khí do bởi rác thải nhựa. 

Thật may làm sao, đã có một sửa đổi đối với Công ước Basel có hiệu lực vào năm 2021 rằng sẽ chỉ cho phép các loại nhựa không halogen hóa, đồng nhất và có thể tái chế dễ dàng để được giao dịch tự do trên toàn cầu. Và cũng chính lúc này, các nước Đông Nam Á đã phát hiện ra sự nghiêm trọng ẩn sau việc nhập khẩu rác và ngay lập tức có những biện pháp kịp thời hơn.

Các nước Đông Nam Á đã làm như thế nào để hạn chế tình trạng nhập khẩu rác?

Sau lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc, các nước xuất khẩu đã chuyển hướng sang Đông Nam Á để quản lý chất thải của họ. Từ năm 2016 đến năm 2018, nhập khẩu chất thải nhựa trong khu vực này đã tăng 171% tức là hơn hai triệu tấn, phần lớn trong số đó đã bị ô nhiễm và không thể xử lý được đã đe doạ cả môi trường Đông Nam Á. Mặc dù việc buôn bán rác thải trên toàn cầu mang đến lợi ích cho một vài công ty tư nhân, các chính phủ Đông Nam Á đang đẩy lùi nó, với một số áp đặt lệnh cấm nhập khẩu rác thải của riêng họ.

Malaysia là một trong những điểm đến chính của thế giới về rác thải nhựa, với ngành công nghiệp sản xuất và tái chế nhựa trị giá 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, chính phủ của đất nước đã nói rằng nơi đây không phải là bãi rác thải của thế giới nữa. Năm 2019, Malaysia đã trả lại 4.120 tấn chất thải nhựa cho 13 quốc gia và dự kiến ​​sẽ trả lại nhiều hơn trong những tháng sau đó. Hơn nữa, các quan chức đã đóng cửa 200 trung tâm tái chế nhựa bất hợp pháp kể từ năm 2019.

Philippines đã trở nên nghiêm khắc hơn trong việc nhập khẩu rác thải cụ thể là việc trả lại hàng chục container vận chuyển khoảng 2.700 tấn rác thải dán nhãn sai cho Canada sau một cuộc tranh cãi kéo dài về việc xuất khẩu chất thải. Philippines cũng chính là quốc gia Đông Nam Á mới nhất tại thời điểm đó đặt vấn đề rác thải với các quốc gia phát triển và họ nói không với việc sử dụng khu vực này như một bãi rác thải.

Nói đến Thái Lan, vào năm 2018, Thái Lan đã cấm nhập khẩu rác thải điện tử – một loại rác thải có độc tính cao và đã công bố mục tiêu chấm dứt nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2021. Những quyết định này kéo theo áp lực của dư luận nhằm trấn áp việc nhập khẩu rác thải bị ô nhiễm.

Việt Nam đã xử lý việc nhập khẩu rác như thế nào?

Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt giảm 90% hạn ngạch nhập khẩu rác thải hàng tháng và tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ ngừng cấp giấy phép nhập khẩu rác thải. Việt Nam có kế hoạch cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm 2025. 

Bạn biết không, đứng trước tình trạng nhập khẩu rác gây ô nhiễm môi trường cho Việt Nam và nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Chính phủ đã có nhiều hành động ngăn chặn các vấn nạn một cách triệt để. Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu rác để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu. Theo thiết kế phần mềm, các đơn vị như cơ quan hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng và doanh nghiệp nhập khẩu rác có thể quản lý phế liệu nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với phế liệu không đáp ứng điều kiện quy định. Vi thế, có thể nói, Việt Nam đang cố gắng hết sức trong việc tăng cường kiểm soát phế liệu ngay từ khi chưa vào cảng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, các lệnh cấm nhập khẩu rác ở cấp quốc gia không có khả năng giải quyết vấn đề rác thải toàn cầu, vì ngành công nghiệp chất thải có thể chỉ cần chuyển đến một khu vực khác. Châu Phi lại là một ứng cử viên tiềm năng vì một số quốc gia tại nơi đó đã và đang phải vật lộn với dòng chất thải bất hợp pháp từ Châu Âu. Vì vậy, ta có thể tự tin khẳng định rằng giải pháp lâu dài và rõ ràng nhất chính là thay đổi cách thức tiêu dùng và thiết kế các sản phẩm có thể tái sử dụng, nhờ đó ta mới có thể giảm thiểu chất thải trước khi nó tồn tại. Và tất nhiên, các bạn đừng quên đồng hành cùng R One kiến tạo vòng đời cho rác nha.